Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai


 Chiều ngày 02/04/2021, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai với đề tài: Hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Đoàn Thị Tình hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) là làng nghề dệt lụa tơ tằm có truyền thống từ lâu đời. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng cả nước vì chất lượng bền, đẹp, trước đây được lựa chọn để may những trang phục nghi lễ long trọng của vua quan trong các triều đình, được người Pháp đánh giá là sản phẩm tinh xảo của xứ Đông Dương tại hội chợ Marseille năm 1931. Đặc biệt, hoa văn trang trí (HVTT) trên lụa Vạn Phúc đã làm cho thương hiệu lụa Vạn Phúc vượt qua các sản phẩm thủ công thông thường, trở thành sản phẩm văn hóa, chứa đựng nét đặc trưng và giá trị nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ của dân tộc.

HVTT trên lụa Vạn Phúc đã được quan tâm nghiên cứu nhưng chủ yếu ở góc độ lịch sử, dân tộc học, văn hóa học… Nghiên cứu HVTT trên lụa Vạn Phúc từ góc độ Mỹ thuật học vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai đã lựa chọn hướng nghiên cứu “Hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội)” làm đề tài luận án tiến sĩ.

NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai

Về phương diện lý luận và lịch sử mỹ thuật: Luận án là công trình nghiên cứu chuyên biệt theo hướng tiếp cận Mỹ thuật học thông qua nghiên cứu HVTT trên lụa Vạn Phúc. Kết quả nghiên cứu của đề tài đóng góp bổ sung tư liệu vào kho tàng mỹ thuật dân gian Việt Nam.

Đối với nghệ thuật tạo hình: Nghiên cứu chuyên sâu về HVTT trên lụa Vạn Phúc, làm rõ các đặc trưng và giá trị nghệ thuật góp phần trở thành cơ sở tham khảo và phát huy giá trị mỹ thuật dân gian cho mỹ thuật ứng dụng hiện nay.

Với di sản văn hóa: Luận án chỉ ra được những đặc trưng và giá trị văn hóa sâu sắc, chứa đựng tính dân tộc, tính truyền thống.

Về giáo dục thẩm mỹ: Góp phần nhận thức được những giá trị về nghệ thuật, khơi dậy niềm đam mê yêu thích nghệ thuật trang trí truyền thống của dân tộc.

Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ khuyết cho những khoảng trống về tư liệu HVTT, mang tính trực quan hữu ích cho mỹ thuật ứng dụng nói chung và chuyên ngành thiết kế thời trang nói riêng

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Đoàn Thị Tình, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (12 trang), Phụ lục (87 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về hoa văn trang trí trên lụa (47 trang)

Chương 2: Biểu hiện hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc (58 trang)

Chương 3: Luận bàn về đặc trưng và giá trị văn hóa nghệ thuật của hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc (50 trang)

NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Thị Quỳnh Mai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét